QUAN HỆ VIỆT NAM – BA LAN
1. Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam: 04/2/1950.
2. Về chính trị:
Ba Lan đã giành cho Việt Nam sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ba Lan là nước duy nhất có mặt trong cả hai Ủy ban đình chiến sau Hiệp định Geneve năm 1954 và Hiệp định Paris năm 1973. Hàng nghìn sĩ quan và cán bộ Ba Lan đã tham gia hai Ủy ban này.
Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, quan hệ giữa Ba Lan và Việt Nam dần lắng xuống. Chỉ đến những năm 2000, quan hệ ngoại giao giữa hai nước nồng ấm trở lại. Hai nước hợp tác chặt chẽ trong nhiều lĩnh vưc, như giáo dục, khoa học, văn hóa và kinh tế, và đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và các Bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp.
3. Về kinh tế-thương mại:
a. Về thương mại: Ba Lan hiện là bạn hàng số một của Việt Nam tại Trung Đông Âu, còn Việt Nam là bạn hàng thứ 3 của Ba Lan ở Đông Nam Á, kim ngạch trao đổi hàng hoá nhữngnăm qua tăng khá nhanh và chủ yếu Việt Nam xuất siêu. Kim ngạch thương mại những năm qua tăng khá nhanh và chủ yếu là ta xuất siêu. Kim ngạch năm 2020 đạt 1,774 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Ba Lan đạt 1,771 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2019; nhập khẩu đạt 341 triệu USD, tăng 14%.
Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Ba Lan các mặt hàng như máy vi tính, điện tử, linh kiện, hàng dệt may, sản phẩm từ sắt thép, thủy sản,... Ba Lan chủ yếu xuất sang Việt Nam dược phẩm, máy móc, thiết bị, dụng cụ, và các sản phẩm sữa
Bảng 1. Kim ngạch thương mại Việt Nam – Ba Lan từ 2010 đến nay
Năm | 2010 | 2011 | 2012 | 2013 | 2014 | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 |
Kim ngạch (triệuUSD) | 650 | 680 | 740 | 500 | 660 | 761 | 790 | 1005 | 1600 | 1796 | 2112 |
Nguồn: Tổng Cục Hải quan
Việc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) sắp đi vào thực thi sẽ tạo điều kiện để Việt Nam-Ba Lan đẩy mạnh hợp tác thương mại trong thời gian tới.
b. Về hợp tác đầu tư:
Tính đến tháng 11/2019, Ba Lan xếp thứ 39 trên 131 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 20 dự án, tổng vốn đăng ký trên 200 triệu USD. Các dự án FDI của Ba Lan đầu tư vào Việt Nam chủ yếu là các dự án 100% vốn nước ngoài, tập trung trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, công nghiệp chế biến chế tạo và thông tin truyền thông. Việt Nam có 3 dự án đầu tư sang Ba Lan với tổng vốn đầu tư khoảng 8 triệu USD thuộc lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp thực phẩm, tiêu biểu là dự án của Vinamilk trị giá 3 triệu USD.
4. Hợp tác giáo dục, văn hóa: Ba Lan đã đào tạo cho Việt Nam trên 4000 sinh viên và cán bộ khoa học; trên 3500 công nhân học nghề, chủ yếu trong ngành than, đóng tầu. Tính từ năm 2012 đến nay, Ba Lan đã nhận đào tạo cho Việt Nam 141 suất đại học và trên đại học miễn phí. Nhân chuyến thăm của Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda (11/2017), hai bên đã ký Thỏa thuận giáo dục mới, trong đó nhất trí tăng số lượng học bổng lên 20 suất/1 năm: Ba Lan cấp cho ta 20 suất học bổng đại học và trên đại học; ta tiếp nhận 20 sinh viên Bạn sang thực tập (trong 10 tháng). Từ tháng 02/2019, Ba Lan đã mở khóa học tiếng Ba Lan tại Trường Đại học Hà Nội.
Ba Lan đã rút khỏi Hiệp định đa phương về công nhận tương đương học vị đại học, sau đại học, khoa học, học hàm ký tại Praha năm 1972. Ta mong muốn thỏa thuận với Ba Lan về vấn đề công nhận bằng cấp lẫn nhau cũng như mở rộng diện đào tạo trả tiền.
Trong nhiều năm, Ba Lan đã giúp ta đào tạo cán bộ, trùng tu các di tích cung Vua ở Huế, Tháp Chàm ở Hội An, địa đạo Củ Chi... Năm 2008, trong khuôn khổ ODA, Ba Lan đã viện trợ 150.000 Euro cho trường PTTH Việt - Ba.
5. Hợp tác an ninh, quốc phòng: Việt Nam và Ba Lan đã ký Bản ghi nhớ hợp tác quốc phòng năm 2010. Từ năm 2010 đến nay, doanh nghiệp quốc phòng 2 nước đã ký được 6 hợp đồng trị giá 37 triệu USD. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh thăm Ba Lan tháng 8/2013, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan thăm Việt Nam tháng 8/2014. Tháng 10/2010, Ba Lan cử Tùy viên Quốc phòng thường trú tại Hà Nội. Tháng 9/2014, ta đã cử Tùy viên Quốc phòng thường trú ở Ba Lan. Tháng 09/2015, theo đơn đặt hàng của Hải quân Việt Nam, công ty Marine Projects của Ba Lan đã đóng tàu buồm mang tên Lê Quý Đôn phục vụ công tác huấn luyện tại Học viện Hải quân Nha Trang.
6. Trao đổi đoàn cấp cao:
Bảng 2. Tổng hợp trao đổi đoàn cấp cao Việt Nam – Ba Lan
Năm | Đoàn ra | Đoàn vào |
1992 | Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm | |
1994 | Phó Thủ tướng Trần Đức Lương | Phó Thủ tướng Ba Lan |
1995 | Phó Chủ tịch Quốc hội Đặng Quân Thụy | |
1996 | | Chủ tịch Thượng viện Ba Lan |
1997 | Thủ tướng Võ Văn Kiệt | |
1999 | Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu | Tổng thống A. Cờ-va-xnhép-xki |
2003 | Chủ tịch nước Trần Đức Lương | Chủ tịch Thượng viện Ba Lan |
2005 | | Thủ tướng M. Ben-ca |
2007 | Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng | |
2008 | Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên | |
2009 | | Bộ trưởng Ngoại giao Ra-đô-xoáp Xi-co-rờ-xki |
2010 | | Thủ tướng Đô-nan Tút-xcơ |
2013 | Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng | Phó Chủ tịch Hạ viện I-ê-dư Ven-đê-lích |
| Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang | |
| Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh | |
2014 | Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh | Bộ trưởng Quốc phòng Tô-mát Si-ê-mô-nhi-ắc |
| Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Nguyễn Minh Quang | |
2016 | Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh | Quốc vụ khanh phụ trách đối ngoại Văn phòng Tổng thống |
| Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu | |
2017 | | Tổng thống An-đờ-giây Đu-đa |
2018 | Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình | |